Bất động sản Hòa Lạc cơ hội và thách thức
Sau thời gian ‘ngủ đông’ thì mới đây bất động sản Hòa Lạc đã bắt đầu sôi động trở lại khi ông lớn về lĩnh vực bất động sản đề xuất thực hiện hai khu đô thị với tổng diện tích 500ha. Liệu các nhà đâu tư có còn nhớ kịch bản về giá đất tại huyện Thạch Thất cách đây 10 năm.
Một thực tế cho thấy, từ giữa năm 2019 đến đầu năm 2020 thị trường BĐS có xu hướng chững lại do chịu tác động kép từ chính những khó khăn mang tính nội tại của thị trường bất động sản năm vừa qua cùng với cú “bồi” từ dịch Covid-19. Trong khi hàng chục dự án “đứng hình” vẫn chưa được tháo gỡ thì dịch bệnh Covid-19 bùng phát càng làm cho thị trường BĐS thêm ảm đạm, các sàn môi giới phải cắt giảm nhân sự, thậm chí là đóng cửa.
Theo nhận định của các chuyên gia BĐS, những nhà đầu tư phải vay vốn ngân hàng gặp khó khăn nhiều nhất khi buộc phải bán lỗ “xả hàng” trước áp lực nợ lãi. Tuy vậy, khi giá nhà đất giảm, người mua sẽ chưa vội xuống tiền vì có tâm lý chờ giá xuống nữa.
Hơn nữa, động thái siết tín dụng của các ngân hàng vẫn chưa kết thúc, mà lộ trình sẽ giảm tiếp 40% – 37% – 34% – 30%; đồng thời, tăng hệ số rủi ro với kinh doanh BĐS từ 150% lên 200%. Điều này, khiến cho việc vay vốn sẽ khó khăn hơn.
![]() |
Thị trường BĐS đang ngấm đòn đau từ dịch Covid-19 nhất là phân khúc BĐS du lịch nghỉ dưỡng khi lượng khách Trung Quốc và Hàn Quốc đến Việt Nam chiếm đến 56% lượng khách nước ngoài đến Việt Nam trong năm 2019. Chỉ riêng thị trường Nha Trang, Sở Du lịch Khánh Hòa ghi nhận so với cùng kỳ năm trước đã sụt giảm 75% khách du lịch quốc tế và 82% khách nội địa trong tháng 2/2020
Đặc biệt, trong phân khúc nhà ở bán, thị trường ghi nhận các chủ đầu tư cũng như phía sàn môi giới trong thời điểm này buộc phải tạm hoãn các hoạt động quảng cáo, mở bán vì tâm lý tránh tụ tập đông người trong lúc dịch bệnh bùng phát.
Vào thời điểm 2009-2011, những khu vực chỉ mới bắt đầu có thông tin trở thành đô thị vệ tinh như Hòa Lạc dù cơ sở hạ tầng còn yếu kém, vẫn chỉ là vùng quê hoang sơ thế nhưng giá nhà đất đã được đẩy cao gấp nhiều lần do hiệu ứng tâm lý đám đông, người người nhà nhà lao vào “cơn sốt” đất.
Giá nhà đất Hòa Lạc khi đó tăng rất mạnh, gấp nhiều lần so với mặt bằng ban đầu. Giai đoạn 2008-2009, từ mức chỉ khoảng 2-3 triệu đồng/m2 cho những lô đất đẹp, ô tô đỗ cửa đã tăng vọt lên mức 10-15 triệu đồng/m2, cao điểm nhất có khu lên tới 30 triệu đồng/m2. Những mảnh đất trong làng xóm khi đó có giá ban đầu chỉ chừng 500-600 nghìn đồng/m2 cũng được đẩy lên 5-6 triệu đồng mỗi m2. Với những lô đất mặt đường quốc lộ có giá lên tới 30 triệu đồng/m2.
Tuy nhiên sau đó thị trường bất động sản rơi vào khủng hoảng, “vỡ bong bóng” giá nhà đất ở khắp Hà Nội “xì hơi” vào giai đoạn 2011-2012, hầu hết các dự án tại khu đô thị vệ tinh đều bất động hoặc chậm triển khai. Trong đó, nhà đất Hòa Lạc cũng rơi vào tình trạng đóng băng, giá giảm sâu suốt 10 năm qua.
Khoảng 10 năm trước, thời điểm Hà Nội sáp nhập địa giới hành chính với Hà Tây, đô thị Hòa Lạc thuộc các huyện Quốc Oai, Thạch Thất và thị xã Sơn Tây được quy hoạch là 1 trong 5 khu đô thị vệ tinh của Hà Nội.
Khu đô thị Hòa Lạc có chức năng về khoa học công nghệ và đào tạo, trọng tâm là Đại học quốc gia Hà Nội và Khu công nghệ cao. Hàng loạt dự án về đào tạo, công nghệ được hứa hẹn sẽ thai nghén trong tương lai, kiến tạo nên hình hài khu đô thị vệ tinh lớn bậc nhất Hà Nội.
Với quy hoạch từ Chính phủ, nhà nước đang hướng đến phát triển các cụm khu công nghệ 4.0 và là khu vệ tinh của Hà Nội. Hiện nay, các nhà máy sản xuất trong và ngoài nước cũng đã xuất hiện gần lấp đầy diện tích hơn 1.500ha. Các dự án với mức đầu tư đến nghìn tỷ, triệu đô, đa dạng các lĩnh vực. Từ các linh kiện điện tử đến sản xuất ô tô, máy bay từ các nước hàng đầu như Hàn Quốc, Nhật Bản,…
Hạ tầng tại các khu vực ven đô đang ngày càng được đầu tư mạnh mẽ, các tuyến đường quốc lộ, tuyến giao thông huyết mạch đang dần được hoàn thiện. Cụ thể như tuyến Đại lộ Thăng Long, đặc biệt mở rộng tuyến quốc lộ 21 đoạn Sơn Tây – Hòa Lạc – Xuân Mai với tổng chều dài là 29,3km, tốc độ thiết kế 80km/h, sẽ đưa vào khai thác từ năm 2023.
Nhờ hạ tầng và các quy hoạch đô thị, các vùng ven đô như đón nhận một vẻ mặt mới. Dòng tiền bất động sản 2020 sẽ tiếp tục đổ về những “mảnh đất vàng” này.
Đặc biệt, BĐS tại Hòa Lạc lại sôi động trở lại khi khi Tập đoàn Vingroup đề xuất tham gia thực hiện hai khu đô thị trên địa bàn huyện Thạch Thất với tổng diện tích 500ha.
Dù mới chỉ là đề xuất của doanh nghiệp, dự án còn chưa nằm trên giấy, tuy nhiên giá đất khu giãn dân Quan Giai, xã Đồng Trúc (huyện Thạch Thất) bắt đầu nhảy múa, “cò đất” đua nhau thổi giá lên gấp 2, thậm chí là 3 lần. Được biết, khu đất này được giao cho dân từ hơn chục năm trước, giá 1m2 đất ở đây chỉ 4 – 8 triệu/m2 nhưng không ai mua nhưng sau vài ngày đã được đẩy lên đến 12 – 15 triệu, thậm chí 18 – 21 triệu/m2.
Một số chuyên gia nhận định, nếu giá đất tiếp tục leo thang trong vài ngày nữa, rất có thể sẽ xảy ra sốt ảo, nhất là khi, không ít người đang hòa vào đám đông với mục đích đầu cơ, “đẩy sóng”.
Một môi giới chuyên phân khúc đất nền thổ cư ở Hà Nội cho biết, việc giá đất tăng nóng ở Thạch Thất sau thông tin doanh nghiệp làm dự án chỉ là chiêu trò của cò đất và đầu nậu.
Chuyên gia cảnh báo, các nhà đầu tư cũng cần cẩn trọng khi xuống tiền, tỉnh táo trong việc lựa chọn dự án và đặc biệt nên mua dự án có pháp lý rõ ràng, sổ đỏ trao tay, không nên chạy theo đám đông để tránh rơi vào cạm bẫy của những cơn “sốt ảo”. Trên thực tế, những nhà đầu tư tay ngang, non kinh nghiệm, ôm đất chưa kịp đẩy hàng là những người chịu trận khi thị trường hạ nhiệt.
Trước đó, chia sẻ với báo chí về những rủi ro khi tham gia “lướt sóng” đất nền, ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam, cho rằng có 3 rủi ro thường trực, đó là:
Thứ nhất, ở một số khu vực chưa được nhà nước đầu tư về hạ tầng trong khi giá liên tục tăng cao trong thời gian ngắn thì xuống tiền trong cơn sốt chắc chắn nhà đầu tư rất dễ bị mua phải giá cao hơn giá trị thực tế thị trường. Bởi giá trị đất thường đi theo giá trị đầu tư hạ tầng.
Việc chưa có đầu tư đã phải mua đất giá cao, điều này cho thấy rủi ro về giá trị. Bên cạnh đó, trong ngắn hạn, các nhà đầu tư luôn đẩy giá với hy vọng bán lại cho người khác. Điều này có thể có lợi trong giai đoạn đầu nhưng những người đến sau sẽ chịu nhiều rủi ro.
Thứ hai là rủi ro pháp lý, đối với những nhà đầu tư “lướt sóng” các khu đất nông nghiệp, đất công, đất canh tác hay đất trồng cây lâu năm,…thì sẽ đối mặt với rủi ro rất cao bởi đây là loại đất nhà nước cấm giao dịch, giao dịch không đúng quy định.
Thứ ba là rủi ro về quy hoạch, hầu hết đất đai ở các đặc khu hiện chưa rõ ràng về quy hoạch nên nhà đầu tư rất dễ mua phải đất giải tỏa, đền bù để thực hiện dự án. Với các nhà phát triển dự án thì họ sẽ gặp khó khăn nhiều hơn trong việc giải phóng mặt bằng, phải đền bù với giá đất cao, chấp nhận các chi phí cao hơn giá trị thực.
Đầu tư là phải có lãi nhưng muốn có lãi thì cần phải tỉnh táo. Các nhà đầu tư cần phải tìm hiểu thật kĩ để tránh xảy ra tổn thất không mong muốn.